Ngày nay, tình dục đã trở thành khái niệm sức khỏe nên những yếu tố gây hại chức năng tình dụccũng được chú ý hơn. Một trong những tác dụng không mong muốn của thuốc khiến nhiều người lo ngại nhất là những ảnh hưởng không tốt tới tình dục, được biểu hiện rất đa dạng ở cả nam và nữ.
Thuốc ảnh hưởng đến chức năng tình dục như thế nào?
Tác dụng phụ của thuốc đến tình dục rất đa dạng, có thể tạm thời hay kéo dài, nhẹ hay nặng. Thuốc không chỉ tác động đến thực hành tình dục như thế nào mà ảnh hưởng cả về cảm xúc, trạng thái tâm lý và khí chất. Những tác hại của thuốc cho tình dục có thể dễ nhận thấy như: gây rối loạn cương dương; thay đổi về sự tiết dịch nhờn âm đạo; ảnh hưởng về xuất tinh và khả năng kiểm soát xuất tinh; tác động tới nhận thức, cảm xúc và cảm nhận khoái cực; thay đổi nhận thức và cảm xúc; thay đổi đến ngoại hình: làm thay đổi cân nặng (tăng cân hoặc sút cân) - thay đổi ở bề mặt da (tăng trứng cá, da biến màu rải rác) - thay đổi mùi cơ thể; ảnh hưởng tới cảm giác đau: Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến tuyến tiền liệt và gây ra những thay đổi về cảm giác và đau tăng lên quanh tuyến. Nhiều thuốc gây tăng cảm giác cương đau vú. Một số thuốc gây ban đỏ ngoài da, kèm bỏng rát, vì thế đau khi đụng chạm và ảnh hưởng sâu sắc đến cảm thụ tình dục.
Dùng thuốc trầm cảm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tình dục.
Những loại thuốc làm giảm khả năng tình dục
Thuốc kháng histamin điều trị viêm loét dạ dày: Các thuốc này gọi là thuốc chống H2 vì có tác dụng ức chế chọn lọc các thụ thể H2 ở màng đáy bên của tế bào thành. Điển hình trong nhóm thuốc này là cimetidin. Cimetidin có tác động đến hệ thống enzym cytocrom P450 ở gan nên thuốc có tác dụng đối kháng với các thụ thể của androgen (hormon sinh dục nam) và tăng cường chuyển hoá testosteron thành estrogen. Điều này là nguyên nhân gây ra thiểu năng tình dục ở những người phải dùng cimetidin từ 1 tháng trở lên. Dùng các loại thuốc khác trong nhóm như: rannitidin, famotidin sẽ ít gặp tác dụng phụ này hơn so với khi dùng cimetidin.
Thuốc điều trị bệnh lý tim mạch và huyết áp: Những loại thuốc này gây ảnh hưởng nặng nhất tới tình dục là thuốc lợi tiểu và thuốc chẹn beta.
- Thuốc chẹn beta-giao cảm: Đây là những thuốc được dùng phổ biến trong chuyên khoa tim mạch do thuốc có tác dụng ức chế hoạt động giao cảm nên làm hạ huyết áp và giảm nhịp tim. Cũng do tác dụng ức chế giao cảm nên thuốc gây co thắt cơ trơn của vật hang dương vật, làm cho lượng máu đến dương vật giảm đi dẫn đến hiện tượng “cậu nhỏ” khó cương cứng hay không thể cương được.
- Thuốc lợi tiểu nhóm thiazide: Các loại thuốc này ngoài tác dụng đào thải muối (ion natri và clo) và nước ra khỏi cơ thể làm hạ huyết áp, thuốc còn gây hạ kali máu. Đây là nguyên nhân lớn gây rối loạn cương, làm cho “cậu nhỏ” không thể cương hoặc cương nhưng không cứng hoặc cương nửa chừng rồi lại mềm ngay.
Các thuốc chống trầm cảm: Bệnh nhân trầm cảm cần uống thuốc liên tục trong thời gian dài (tối thiểu một năm); thậm chí có người phải uống thuốc suốt đời. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, đa vòng, ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin... đều ảnh hưởng xấu đến đời sống tình dục của bệnh nhân ở các mức độ khác nhau. Bệnh nhân nam thường than phiền khó cương dương vật, giảm ham muốn (dù tình trạng trầm cảm đã hết), khó xuất tinh. Bệnh nhân nữ thường than phiền mất hết ham muốn, giảm tiết dịch âm đạo gây đau, rát khi quan hệ tình dục. Các thuốc ảnh hưởng đến chức năng tình dục nhiều nhất là amitriptylin và fluoxetin. Các thuốc ít ảnh hưởng đến ham muốn tình dục là tianeptil (stablon), fluvoxamin (luvox) và mirtazapin (remeron, tzap, noxibel).
Nhóm thuốc an thần gây ngủ: Thuốc tác dụng vào thụ thể GABA trong não, làm chậm lại các hoạt động của những chất dẫn truyền thần kinh như dopamin, serotonin... Do đó, thuốc gây trạng thái mệt mỏi về tâm lý, uể oải đờ đẫn về tinh thần hay ngủ gà ngủ gật nên dẫn đến giảm ham muốn chuyện chăn gối.
Thuốc điều trị bệnh lý tuyến tiền liệt: Các thuốc chống phì đại tuyến tiền liệt như chặn anpha - giao cảm, ức chế men 5-anpha reductase có thể gây rối loạn xuất tinh hoặc giảm ham muốn do ảnh hưởng đến chuyển hoá testosteron và estrogen. Các thuốc chống ung thư tuyến tiền liệt như flutamide, leuprorelin... làm ảnh hưởng đến hoạt động của testosteron nên gây tình trạng rối loạn cương, thậm chí thờ ơ và lãnh cảm.
Thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau có codein và morphin có thể gây nhiễu vùng não điều khiển thân nhiệt, cảm giác đói, khát và kiểm soát lượng hormon của cơ thể. Ngược lại, nó sẽ gây tăng tiết hormon tuyến yên mà ức chế ham muốn.
Các thuốc chống động kinh và thuốc chống loạn thần: Các thuốc này gây suy giảm ham muốn tình dục do ảnh hưởng đến hoạt động hormon của hệ trục dưới đồi - tuyến yên - sinh dục, đặc biệt là những thuốc tác động đến hệ enzym cytocrome P450 ở gan. Ngoài ra, các thuốc chống loạn thần gây các tác dụng không mong muốn lên hoạt động tình dục cho cả nam và nữ thông qua tác dụng chẹn anpha-giao cảm và ảnh hưởng đến lượng hormon (tăng prolactine máu).
DS. Trung Anh
Không có nhận xét nào: